Có khi nào bạn cảm thấy “khổ sở” với chấp niệm về Đúng và về Sai? Có ai từng hỏi bạn: “Giữa Đúng và Vui thì em chọn gì?” Có khi nào bạn chợt thấy cái mình cho là đúng không còn đúng? Có khi nào bạn cảm thấy mình còn chẳng thể phân định đúng sai vì chẳng đặt chân được vào đôi giày của người khác? Có khi nào bạn cảm thấy nhẹ nhõm khi gạt Đúng và Sai sang một bên?

1. Chấp niệm Đúng và Sai

Bé giờ ta đều được dạy một cách rất ráo riết về đúng sai. Từ bài vở trường lớp, đến việc ăn việc chơi việc học làm người… với mẹ với cha ở nhà. Lớn lên ai làm đúng nhiều sẽ thành công, ai làm sai nhiều sẽ thất bại. Tranh luận cũng trở thành một cuộc cãi vã đúng – sai, ai cũng nghĩ mình đúng còn đối phương sai, ai cũng Muốn mình đúng và tìm cách chứng minh đối phương sai.

2. Không còn ranh giới

Càng trải nghiệm nhiều hơn ta mới lại nhận ra, có những cái ta cứ tưởng là đúng 1000% vậy mà quay qua lại thành sai. Có những chuyện nếu không bỏ được nỗi đau của mình xuống mà đặt mình vào vị trí của người kia thì không bao giờ hiểu được người ta cũng “đúng” ở chỗ nào. Riết rồi ta sẽ bình tâm hơn trước những tư tưởng trái chiều. Ta không còn cố tìm cách “thay đổi” suy nghĩ của người khác, ta không còn cố giành cho được phần “đúng” về phía mình. Ta chỉ “biết” rằng ta khác nhau, khác cả tuổi thơ, quá khứ, tính cách, trạng thái tinh thần, niềm tin, giáo dục, tôn giáo, địa vị, mẹ cha, anh em, bạn bè, ta đọc những sách khác nhau, nghe những người khác nhau…

Hãy cho phép những thứ khác nhau được tồn tại, cho phép người được “sai”, mình cũng được “sai”. Suy cho cùng, giữa cuộc đời này, ai cũng chật vật như nhau.

3. Vượt ngoài ranh giới

Ở một góc nhìn khác, sâu hơn một chút, mình tự hỏi: “Còn có cảm xúc nào khác còn lấn cấn trong lòng mình không?”. Câu trả lời là Có, đó là Self-blame. Để mình hỏi bạn nhé, bạn có bao giờ nhìn lại rồi thở dài tự trách (self-blame) mình quá sân si? Tự trách mình sao lại vô bổ tranh cãi? Tự trách sao mình lại hơn thua? Và mình nhận ra, thực ra, chúng ta làm tất cả những điều đó chỉ là để tìm kiếm sự thoả mãn, sự an tâm, thậm chí sự “chấp nhận” khi có thể chứng minh rằng mình “đúng”.

Cái quan trọng nhất ở đây là Sự Chấp Nhận.

Bản chất con người là sinh sống bầy đàn, bởi vậy mà nhu cầu “được chấp nhận” trong bầy đàn ấy mạnh mẽ như là sự sống còn. Ta phải đúng, ta phải giỏi, ta phải tốt, ta mới được chấp nhận, được sống còn.

Giờ đây khi nhìn lại mình bỗng nảy sinh thêm lòng thương xót. Thương là thương cho những con người cô đơn (hay là chính mình) mải đi kiếm tìm nơi mình thuộc về. Cái mà chúng ta tìm kiếm vốn không phải Đúng – Sai. Chúng ta chỉ tìm kiếm một chỗ tồn tại cho bản thể của chính mình.

Khi nhìn tất cả một cách rộng ra như vậy, ta bỗng thấy mình tự lúc nào đã thực sự vượt ra ngoài ranh giới Đúng – Sai. Ta cho phép mình được sai, người được sai, ta chấp nhận sự khác biệt; khi nhìn lại, ta không trách mình, không dè bỉu người, VÀ ta cũng biết ta phải làm những điều rất khác đi

Nhà thơ Rumi từng viết, “Out beyond ideas of rightdoing and wrongdoing, there is a field. I’ll meet you there.” Tạm dịch: “Vượt xa những ý tưởng về việc làm đúng và sai, có một cánh đồng (khu vườn). Tôi sẽ gặp bạn ở đó.”