Stress – căng thẳng là phản ứng của cơ thể đối với những cảm giác, tình huống hoặc sự kiện mà não bộ của chúng ta đánh giá là “nguy hiểm” – những tình huống “nguy hiểm” này có thể là có thật hoặc không (do não bộ “tưởng nhầm”). Có nhiều loại stress, đúng, stress mà cũng có nhiều loại. Mình thì định viết từ lâu về một loại stress gọi là Stress mãn tính, mà có lẽ là không nhiều người để ý tới.

1.
Nhưng trước tiên hãy bắt đầu bằng việc phân loại hết sức nhanh và cơ bản. Sẽ có vài khái niệm stress mà bạn có thể gặp được: Stress cấp tính, Stress cấp tính kéo dài, Stress mãn tính, Stress tiêu cực, Stress tích cực, Hyperstress, Hypostress.

  • Stress cấp tính xảy ra nhanh và kết thúc cũng nhanh, thường xuất hiện khi có tác nhân từ bên ngoài như deadlines, kì thi…
  • Stress cấp tính kéo dài là khi có quá nhiều áp lực liên tục dồn dập trong thời gian dài.
  • Stress tiêu cực ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ thể chất, tinh thần, cuộc sống của chúng ta.
  • Stress tích cực ngược lại lại có thể thúc đẩy chúng ta đạt được mục tiêu, cải thiện chất lượng cuộc sống.
  • Hyperstress là tình trạng quá mức căng thẳng khi một người phải đối diện với những áp lực khó khăn quá lớn hơn sức chịu đựng của họ.
  • Hypostress thì ngược lại là dạng stress khi một người quá nhàm chán với công việc hoặc không có việc gì để làm, thiếu động lực trong cuộc sống…

2.
Thế còn stress mãn tính?
Stress mãn tính là một kiểu stress âm ỉ, kéo dài, do quá mức chán ghét công việc, sống trong những mối quan hệ, hôn nhân bế tắc, không lành mạnh… Điều nguy hiểm nhất chính là có lẽ người trong cuộc cũng không hề nhận ra họ đang bị “stress mãn tính”. Vì họ đã quá “quen”.
Nếu dồn dập xuất hiện mạnh mẽ và biến mất thì còn có thể dễ nắm bắt và đối phó. Nhưng nếu nó đã ở đó quá lâu, thành “mãn tính”, đến nỗi người ta có thể tưởng như những sự khó tính cáu bẳn là tính cách của người ta, những sự xúc động dễ dàng bị kích hoạt là bản chất của người ta, những căn bệnh âm ỉ khám không được chữa không dứt là một phần của người ta, cảm giác luôn bế tắc là bởi cuộc đời đối tệ với người ta, cảm giác cạn kiệt sức lực và năng lực chỉ là điều mà chắc là ai cũng phải trải qua…

3.
Bài viết này hoàn toàn không phải là cơ sở để chẩn đoán hay cung cấp hướng điều trị, cũng không phải là những dòng hù doạ. Mà chỉ đơn giản là một lời nhắc nhớ mình rất muốn gửi tới bạn:

Có lẽ ta thực sự nên quan tâm đến bản thân mình nhiều hơn mình tưởng.

Nhất là trong một nền kinh tế xã hội đang phát triển và ai cũng phải “chiến đấu” hết mình vì tiền bạc, địa vị, vì gia đình, vì “trải nghiệm”, vì ước mơ của chính mình.

Có lẽ ta cần:

  • Tập thể dục
  • Ăn uống lành mạnh
  • Ngủ sớm dậy sớm
  • Dành ra me-time chất lượng
  • Đặt những mục tiêu thực tế
  • Giữ kết nối những mối quan hệ
  • Học cách điều chỉnh cảm xúc
  • Học và thực hành chánh niệm

nhiều hơn mình tưởng.

4.
Và cuối cùng, như ai đó đã nói: “It’s not stress that kills us, it is our reaction to it”. Đừng lún sâu, cũng đừng buông kệ, hãy dành cho bản thân một sự quan tâm vừa đủ, một sự chăm sóc vừa đủ, một tâm thế thiết tha sống với cuộc đời và một sự bền bỉ kiên trì.