Mình phát hiện ra, bên trong mình có một niềm mong muốn đặc biệt, đó là: phải trở nên “xuất chúng”/ outstanding. Cái mình muốn không hẳn là thành công, mà là một sự nổi bật, khác biệt.

MÌNH ĐÃ NHẬN RA NHƯ THẾ NÀO

Mình nhận ra là bởi quan sát thấy gần đây bản thân phản ứng hơi thái quá với những người trẻ “outstanding”. Mình nhận xét, đánh giá và thực ra là cả ghen tị. Mình tìm cách chứng tỏ họ “cũng thường thôi”. Mà ở đời, cái gì khiến ta “ngứa mắt”, nói không chừng chính là cái ta muốn mà không có được.

Đó là lúc mình tự hỏi lòng mình và biết rằng, cũng “outstanding” như họ – chính là cái mình muốn (mà đang không có được).

NHÌN LẠI QUÁ KHỨ

Nhìn lại những năm tháng trước đây, mình phát hiện ra, mình đã luôn tập trung vào những kế hoạch, tính toán, để bước vào nhóm “outstanding” của xã hội. Khi còn là học sinh tiểu học, mình “tự” muốn phải điểm cao, “tự” muốn phải vào trường chuyên, lớp chọn. Khi học Đại học, mình vạch ra phải làm vị trí lãnh đạo gì trong lớp để được ích lợi gì. Mình ấn định là sẽ chỉ tham gia tình nguyện trong 1 năm đầu để trải nghiệm và điền vào profile thôi, sau đó phải làm thêm hay tham gia cái gì khác chuyên nghiệp hơn (rồi mình đi exchange, vào AIESEC, làm thêm). Mình không ngần ngại tiếp cận những người giỏi nhất để hỏi han. Mình liên tục tham gia các cuộc thi tầm cỡ, mong đoạt giải rồi được ai đó trong ban giám khảo mời về làm từ sớm, khỏi đi xin việc (và mình đã làm được).

Cho đến khi kết thúc đại học, mình chưa từng được “ngừng lại” hay sống một cách ngây ngô vô lo, mình phê phán hoặc sợ hãi những “niềm vui phù phiếm”, không màng chỗ ăn ngon, quán cafe đẹp. Không hề biết hoàng hôn Hồ Tây có thể đẹp đến thế. Không từng có cả người yêu luôn huhuuu.

ĐẶT CÂU HỎI

Tại sao lại cứ phải outstanding?

Và mình tìm ra, có một “tượng đài” mà mình luôn vô thức muốn vượt qua, đó chính là bố mẹ mình. Bố mẹ sinh ra trong những gia đình nghèo, tuổi thơ thiếu thốn đến nỗi không có cơm ăn, cũng chả có học hành tử tế. Nhưng rồi bằng một nỗ lực nào đó mà mình cho rằng rất kì diệu, bố mẹ dường như có tất cả. Từ nhỏ, mình đã quen với việc sống trong một vòng tròn mà bố mẹ là người giàu có nhất, là người outstanding nhất. Outstanding trở thành một điều hiển nhiên trong tiềm thức mình, trở thành một điều hiển nhiên mà mình luôn theo đuổi.

Không chỉ thế, mình phải outstanding để Được Công Nhận.

Chỉ khi outstanding mình mới có cảm giác Được Công Nhận, rằng mình không còn là một đứa trẻ luôn sai, thiếu suy nghĩ, bốc đồng, chậm chạp, yếu đuối, vô dụng, tự ti nữa. Mình cũng làm được “gì đó”. Sau này, khi không cần sự công nhận từ bố mẹ nữa, thì lại đến sự công nhận của bạn bè, cộng đồng, xã hội… Và mình cũng nhận ra rằng, ở nơi sâu thẳm nhất, hơn bất cứ cái gì từ bên ngoài, mình mãi tìm kiếm sự công nhận từ… chính mình.

“TƯỢNG ĐÀI” THỰC SỰ

Cách đây nhiều năm, mình đã từng nhận ra, mình sống một cuộc đời mải miết chứng tỏ cái gì đó cho người khác thấy, để có được sự công nhận từ người khác. Nhưng giờ đây, cái mình muốn vượt qua, không phải “tượng đài bố mẹ”, không phải ai khác, mà là chính bản thân mình. Tượng đài thực sự, là một “Oanh 26 tuổi” – khi mà tâm thảnh thơi, một năm lên trung tâm thiền vài ba khoá, thực tập chăm chỉ miên mật, đi bất cứ đâu mình thích, trải nghiệm những điều mới lạ, kiếm đủ tiền tiêu làm mệt vừa tới, vui vẻ hoan hỉ với bạn đồng hành, hạnh phúc đủ đầy. Oanh của tuổi 29, 30 với những vai trò trách nhiệm hoàn toàn mới mẻ trong cuộc đời, đã liêu xiêu một phen và mong ngóng Oanh của tuổi 26 đến nhường nào. Và tượng đài có lẽ không chỉ là “Oanh 26 tuổi” mà còn là tất cả những khoảnh khắc “đẹp”, phiên bản “đẹp” mà ta mơ tưởng.

NÓI LỜI TẠM BIỆT

Điều đáng sợ không phải là điều người khác nói hay tỏ ra với bạn, mà là chính suy nghĩ của bạn, ánh nhìn của bạn về chính mình. Chỉ khi bên trong đủ đầy, hiểu mình trọn vẹn, yêu mình tới… bến, ta mới ngừng đi tìm kiếm sự công nhận từ bất cứ đâu. Sống một cuộc sống “vì người” nhưng cũng ráo riết “vì mình”, tự do nhưng cũng hòa hợp, hiện diện chấp nhận nhưng không đánh mất ước mơ.

Mình quyết định chính thức nói lời tạm biệt với đứa trẻ khi xưa muốn vượt qua “tượng đài bố mẹ”.

Mình mời gọi “Oanh 30 tuổi” muốn vượt qua “Oanh 26 tuổi” bước ra ánh sáng để an ủi và chia tay. Mình của hôm nay có thể tốt hơn mình của hôm qua một chút, cũng có thể đôi khi thụt lùi một chút, nhưng rồi chắc chắn sẽ lại tiến lên. Từ giờ hãy “Sống một cuộc sống “vì người” nhưng cũng ráo riết “vì mình”, tự do nhưng cũng hòa hợp, hiện diện chấp nhận nhưng không đánh mất ước mơ.” Tất thảy những bất an, restless, ghen tị, self-blame & denial cũng được chia tay. Bởi,

Mình luôn “outstanding” theo cách của mình.