1. Nỗi ám ảnh in sẵn trong đầu

9x từng có cái trend khoe ảnh thời đi học cấp 2, cấp 3 – so với bây giờ. Ai ai cũng tham gia nhiệt liệt, còn mình thì thậm chí còn không dám mở lại. Vài tấm ảnh hiếm hoi đã in sẵn trong đầu mình như một nỗi ám ảnh và mình từng chỉ muốn xoá hết dấu vết của chúng mãi mãi trên toàn cõi mạng.

Mình cảm thấy mình xấu xí với một mái tóc rẽ ngôi giữa đến độ như hói, luôn túm buộc đằng sau. 
Mình cảm thấy mình xấu xí với cặp kính cận 10 độ dày cộp kéo nặng cả khuôn mặt, bám riết mình kể từ khi 5 tuổi. 
Mình cảm thấy mình xấu xí với biểu cảm lúc nào cũng nghiêm túc, cứng nhắc. Nhìn mà phát mệt thay.
Mình cảm thấy mình xấu xí với làn da đen hơn cả con trai, chân to, tay to, vòng 1 thì gày gò, vòng 3 thì quá lớn. 
Mình cảm thấy mình xấu xí với một tổng thể khuôn mặt mang nhiều nét giống bố nên chẳng lấy đâu ra mà xinh xắn. Mình là con gái, mình nghĩ giống mẹ thì chắc sẽ đẹp hơn nhiều. 
Có người từng bảo trông mình giống Bắc Đẩu. Có người từng lôi chân to, tay to, vòng 3 to, vòng 1 nhỏ ra để trêu mình.

(Đấy là còn chưa kể đến cái việc mình ghét luôn cả giọng nói và chẳng bao giờ dám nghe lại thu âm của chính mình. Có được tính ở đây ko? Mà có tính hay không thì cũng nói rồi.) 

2. Tưởng rằng đã ổn

Sau này, khi đã bước sang những năm đầu của tuổi 30. Mình đã dần trở nên xinh đẹp, sáng sủa hơn xưa nhiều. Có nhiều người khen mình xinh hơn. Mình thích nhìn mình của những năm ngoài 20 đến 30 đó. 

Mình đã nghĩ những lời body shaming kia chẳng qua cũng là người ta không cố ý, rồi khi đó người ta cũng trẻ con. Mình bỏ qua được hết, có gì đâu. Giờ lớn cả rồi, ai cũng đẹp hơn rồi. Hình thức cũng không bao giờ là thứ quan trọng nhất.

Nên mình nghĩ mình đã ổn. 

3. Kẻ body shaming nhiều nhất

Nhưng một buổi sáng nọ, sau một đêm ngủ không ngon giấc, mình thức dậy với cảm giác âu lo – là shadow work mời gọi. 
Và mình đã khóc thật nhiều khi bỗng nhìn thấy và dừng lại lâu hơn bình thường để ngắm… khuôn mặt mình qua màn hình chiếc ipad tắt đen thui.

Mình bỗng thấy tất cả những hình ảnh cũ nhoè đi, những lời body shaming từ người khác cũng nhoè đi. Tất cả chúng chẳng có ý nghĩa gì nữa.
Chỉ còn duy nhất một tiếng nói vang vọng chê bai mình, từ… chính mình.

Trước đây, mình đổ lỗi sự xấu xí của mình cho… cái người đã tạo cho mình cái kiểu tóc đó. Cho… số phận vì sao lại bắt mình bị cận bẩm sinh? Cho bố mẹ đã “bắt mình” phải mặc kệ vẻ ngoài để cho nó xấu xí như thế, để chuyên tâm vào học hành, khỏi dính yêu đương gì. Cho những người đã body shaming mình… Tất cả là tại họ.

Nhưng khoảnh khắc này, mình nhìn thấy một cách rất rõ ràng đến độ đau xót. Kẻ body shaming mình, kẻ tin vào sự xấu xí của mình và duy trì nó, là chính – mình. Chứ không phải bất cứ ai khác.

Trong cuốn Sự lựa chọn, tiến sĩ Edith Eva Eager từng viết: “Điều quan trọng không phải là người khác nói gì với bạn. Mà là bạn thực sự tin vào điều người ta nói.”

Điều này đã từng chạm đến mình một cách sâu sắc và giờ đây một lần nữa nó xuất hiện kéo theo một nỗi xót thương khi mình đối xử tệ với chính bản thân. Nó xuất hiện để nhắc nhở mình về sự tự thấu cảm, về tình yêu đối với chính mình.

4. Nếu bạn cũng đã và đang cảm thấy mình xấu xí

– Nếu muốn trách móc, đổ lỗi cho ai, cho cái gì – hãy làm như thế. Hãy cho phép cảm xúc được thoát ra. 

– Nếu muốn xót thương cho chính mình vì đã đối xử tệ với chính mình, hãy làm như thế. Hãy tặng cho mình một cái ôm thật chặt, vì đó là cái nó cần. 

– Mỗi ngày hoặc lâu lâu hãy nhìn ngắm mình trong gương (mirror work), và quan sát những cảm xúc, suy nghĩ đến với bạn. Vì đã từng làm mirror work trước đây, nên buổi sáng kia với mình chỉ như là một chút cảm xúc còn xót lại được gột rửa đi nốt. Hoặc như một lời nhắc nhở rằng thời điểm này mình cần quay về yêu thương bản thân. Nếu bạn chưa từng làm mirror work, tiến trình sẽ có thể không nhanh đến thế. 

– Đến một thời điểm, bạn sẽ thấy mình nhẹ nhõm, và bắt đầu muốn buông bỏ. Muốn tha thứ. Muốn sám hối. Muốn yêu thương. 

Yêu thương thường là bước cuối cùng. Bởi vậy mà yêu bản thân chưa bao giờ là dễ. 

Công thức cho sự “chữa lành”, đối với mình, chẳng phải là các bước 1-2-3, cũng chẳng phải list những điều cần làm để yêu bản thân, những rituals, những affirmation… Mà là sự cho phép mọi phức cảm được trào ra.

Thương nhiều, 
#LapLaLapLanh