Có lẽ chưa thời điểm nào, ta thấy con người phải luôn tìm kiếm “thức ăn” cho não bộ như thời điểm này. Càng suy thoái, khó khăn, ta càng không thể ngừng lại việc thấy mình phải phát triển, phải tiến lên. Càng thấy người khác thành công, ta càng không thể ngừng mong cầu thành công cũng đến với mình. Và ta nạp thêm càng nhiều “thức ăn” cho não bộ.

Cũng phải thôi, không có gì sai cả.

Thế nhưng, ngoài nuôi dưỡng não bộ mỗi ngày ra, bạn có thường xuyên “vỗ về trái tim” không?

Không chỉ “vỗ về trái tim”, bạn có “tôi rèn ý chí” không?

1.

Có một mô hình, gọi là mô hình 3H: Head – Heart – Hand. 3H được đưa ra và áp dụng trong nhiều lĩnh vực (như tâm lý học, truyền thông, communication, leadership…), bởi nhiều chuyên gia. Head – Heart – Hand tương ứng với Tư duy – Cảm xúc – Hành động. Đa phần được lý giải như thế này: Khi ta làm một điều gì đó, ta không chỉ cần Phân tích trong đầu: “À, điều đó tốt cho mình ở chỗ abcxyz. Mình “nên” làm điều đó”. Ta còn cần phải Cảm nhận bằng trái tim: “À, mình xúc động khi thử kết nối với điều đó, điều đó “chạm” tới mình”. Sau đó, với sự thống nhất của Lý trí và Trái tim, ta bắt đầu Hành động.

Ở chỗ này, ngắt một xíu. Đa phần ta thường chỉ dùng não bộ để phân tích đúng sai, nên hay không nên, rồi vội vã hành động. Sẽ có lúc, lý trí thống nhất với trái tim, và bạn làm việc đó thật tốt. Nhưng sẽ có những lúc, lý trí và trái tim không thống nhất, bạn sẽ làm không bao giờ xong, hoặc không thể được ở trong niềm vui.

2.
Khi mình học về giáo dục trẻ nhỏ Steiner, tới triết lý Anthroposophy cơ bản, có một phần là “cơ thể ba phần”. Cơ thể ba phần bao gồm: Head, Heart & Hand – Tương ứng với Tư duy, Cảm xúc và Ý chí.

Cùng là 3H, nhưng Head – Heart – Hand trong Anthroposophy khiến mình thích thú nhất bởi phần Hand không đơn giản chỉ là Hành động, chỉ là hiện thực hoá. Nó được chỉ ra để người ta hiểu ra và tập trung nuôi dưỡng chính mình ở tầng Ý chí. Để có thể có hành động, hiện thực hoá được bản vẽ, ta cần có Ý chí. Bởi vậy mới nói sao chỉ nhắc đến Hành động là chưa “đã”. Hành động kiên trì, bền bỉ, xuyên suốt cho tới cuối cùng, mới là quan trọng.

3.
Hôm trước có một người bạn nói với mình mấy câu mà mình felt in love với bạn luôn. Bạn bảo, mấy năm gần đây, bạn nhận ra rằng mình cần phải chăm sóc tâm lý. Và việc đó cần phải được làm thường xuyên, đều đặn.

Như đã đề cập trong phần đầu của bài viết này đấy, giờ người ta chỉ mải mê quan tâm đến việc cho não bộ “ăn” gì thôi. À tất nhiên từ sau Covid, mọi thứ cũng đổi, người ta cũng quan tâm đến sức khoẻ tâm thần/ tinh thần nhiều hơn, nhưng mà suy thoái cũng dẫn đến một làn sóng ghê gớm khác (làn sóng Tiền, giờ cứ đăng cái gì khoe tiền tài sản lên mạng là auto viral).

Bởi vậy mà khi nghe ai đó nói rằng họ quan tâm đến tâm lý, tinh thần, cảm xúc, quan tâm đến trái tim… là mình mừng lắm. Mừng vui từ tận đáy lòng. Xong cả hạnh phúc rưng rưng nữa như khi nghe một khách hàng của mình nói: “Bây giờ em sẽ lựa chọn. Em sẽ bỏ xuống một thứ. Để chỗ cho mình thở, để chỗ cho mình quay về chăm sóc nội tâm của mình.”

Còn bạn, bạn đã quan tâm đến chuyện vỗ về cái trái tim mình như thế nào?

4.
Các phiên khai vấn thông thường cũng có thể nói là có dùng 3H. Bởi người khai vấn không bao giờ chỉ dừng lại ở việc cùng khách hàng phân tích Lý trí, mà còn ứng dụng Thông minh cảm xúc (EQ) để Trái tim cũng được chạm đến. Hành động tất nhiên không bị bỏ quên. Và đặc biệt hơn cả là với hành trình đồng hành lâu dài, từ từ Ý chí cũng sẽ được tôi rèn.

Đó là lý do tại sao chỉ một vài phiên, có thể mở mang đầu óc, góc nhìn của bạn. Nhưng để có được kết quả bền vững nào đó, thì chưa chắc. Đó là lý do tại sao, một hai buổi lẻ thường hay được… tặng miễn phí =)) còn lộ trình lâu dài thì lại có cái giá tương xứng của nó.

Hôm nay, bạn đã “vỗ về trái tim” và “tôi rèn ý chí” như thế nào? Mình thì đã dậy lúc 5am, thiền 45p, viết nhật ký cảm xúc và hoàn thiện nốt bài viết này.

Chúc các bạn hôm nay cũng có thể hoàn thành một hành động nào đó nho nhỏ để “vỗ về trái tim” hoặc “tôi rèn ý chí”, hoặc cả hai </3