1. Điểm cân bằng của mỗi người mỗi khác. Ưu tiên trong cuộc đời mỗi người mỗi khác. Ưu tiên trong cuộc đời mình mỗi thời điểm cũng mỗi khác. Vậy nên đừng so sánh mình với người khác. So sánh cũng tốt thôi, nhưng chỉ dùng để tham chiếu, đa dạng góc nhìn, không phải để dìm mình xuống hay thúc ép mình làm việc, hay kiếm cớ cho mình lười biếng.

2. Không phải cứ làm ít đi, chơi nhiều lên thì mới có thể cân bằng. Đúng là khoa học đã chứng minh, những người làm việc càng ít, thậm chí hiệu suất càng cao. Và người ta chỉ có thể tập trung tối đa 4h/ ngày. Nhưng để có kết luận đó hẳn là còn nhiều điều kiện cần khác. Vậy nên nếu bạn không thể làm việc ít, thì hãy hiểu rằng bạn vẫn có thể có điểm cân bằng của riêng mình. Bằng những cách nạp năng lượng riêng, những khoảng nghỉ chất lượng, một tâm trí, tinh thần được chăm sóc tốt. Mình vẫn thấy những người làm nhiều mà vẫn cân bằng vững chãi.

3. Nếu bạn nghĩ là bạn vẫn ổn, thì có nghĩa là bạn vẫn ổn. Đừng lo sợ điều gì chưa tới. Có những lời “cảnh báo” bay đến tai bạn, nhưng nếu chưa đúng thời điểm – chưa đúng đoạn tiến hoá của bạn, thì cũng không thực sự hữu ích. Giống như khi mình ở tuối 21, người ta nói về work-life balance, mình cười khẩy. Cho đến 24 tuổi bị đời “vả” cho “đủ” (đủ đối với level của mình) thì mới chợm dừng bước. Trước đó có nói giời nói bể cũng không ăn thua.

4. Nếu bạn nghĩ bạn không ổn, hẳn là bạn đã thấy bạn không ổn nhiều lần trước đó mà đều bị chính mình phớt lờ. Thì có thể đó mới là lúc bạn cần học cách quản trị thời gian (mà thực chất là quản trị năng lượng), thiết lập giới hạn, chăm sóc sức khoẻ tinh thần, cùng nhiều bài học khác… để tránh khỏi stress kéo dài (stress mãn tính), cảm xúc tiêu cực, không thể self-manage, hoặc burnt-out.

5. Công việc và cuộc sống có thể “hợp nhất” làm một, ở một trạng thái rất lý tưởng. Một công việc đam mê, nơi bạn có thể đem trọn vẹn con người bạn vào đó, công việc cũng lại mang đến an vui lợi lạc cho cuộc sống. Nhưng đa phần chúng ta không làm được. Và nếu không làm được, thì cũng đừng biến điều lý tưởng đó thành “lý tưởng” của mình. 

6. Các vị thiền sư (cư sĩ) có lẽ sẽ không quan tâm đến work-life balance. Vì dù là work hay life, với sự quan sát, hiện diện từng phút giây, họ luôn ở trung đạo. Mọi giây phút đều là quan sát chính mình, quan sát sự thật vô thường. Vị thầy của thầy mình Ubakhinji, từng giữ đến chức vụ bộ trưởng của 5 bộ trong chính phủ Myanmar. Chắc thầy không “quằn quại” vì work-life balance. 

7. Nếu nhìn cuộc đời không bằng một góc nhìn hạn hẹp vài ngày, tuần, tháng, quý, năm, mà thật rộng ra, ta có thể sẽ thấy nó giống một đồ thị hình sin. Lúc lên lúc xuống, lúc work nhiều, lúc enjoy life nhiều, lúc mất cân bằng, lúc cân bằng, không ai mãi mãi ở điểm cân bằng. Điểm cân bằng là khi ta nhìn tất thảy những lúc mất cân bằng bằng một con mắt cân bằng, coi tất cả là hiển nhiên. Điều này không cổ xuý cho việc cứ lao đi “bán mạng”. Mà chỉ nhìn cuộc đời bằng một con mắt tích cực. Muốn đi được lâu dài, ta phải chấp nhận được sự lên xuống này. Đặc biệt đối với những ai không được làm công việc mà mình thực sự đam mê. 

Hãy coi cuộc hành trình mà bạn đang đi như một cuộc thi chạy marathon hoặc một chuyến leo núi. Sẽ có lúc ta nhanh, có lúc ta chậm, có lúc ta mệt muốn c.hết, có lúc ta muốn từ bỏ, có lúc ta hừng hực, có lúc ta một mình, có lúc ta vui cùng nhiều người. Cứ thế đi một cách kiên trì, quan sát và chấp nhận và hiểu rằng tất cả không có gì là mãi mãi. 

8. Work-life balance chỉ là một loại cảm giác. Giống như thời gian, cũng chỉ là cảm giác. Lúc ngồi trên đống lửa thì 1p bằng 1 giờ. Ngồi bên người thương thì 1 giờ bằng 1 phút. Khi life không có gì vướng bận, tập trung vào work đến mấy cũng không thấy nhiều. Khi life có nhiều vướng bận (gia đình, người yêu, con cái, sức khoẻ)… thì vừa work vừa thấy áy náy. 

Có thể bạn sẽ muốn đọc: 3 myths về work-life balance mà mình quan sát được sau một chặng 10 năm