Có nhiều lý thuyết mà thông thường mọi người tưởng là mình hiểu, nhưng hoá ra không hề.
Có một câu thế này: “Bạn chọn đúng hay chọn hạnh phúc?”

Có một cặp vợ chồng yêu thương nhau nồng thắm. Sau khi sinh con, họ thuê một người giúp việc. Người giúp việc này không vừa ý cô vợ. Đặc biệt vào thời điểm cô sắp phải đi làm trở lại, nhưng người này mãi không thể làm cô an tâm giao con mới vài tháng tuổi ở nhà được. Thế là cô này trở nên cáu kỉnh, nói năng hạch sách, khó nghe, phần vì bất mãn không làm được việc phần vì phải… chịu đựng người giúp việc. Bởi ai ai cũng bảo cô: “Quan trọng là người thật thà, chứ người ta không giỏi người ta mới đi làm giúp việc. Thôi cố chịu, cố bỏ qua.” Cô vợ chỉ có người chồng để kêu ca than vãn, tìm kiếm sự đồng tình, thì anh này “tinh ý” nói: “Anh thấy em cũng không đúng đâu, bác ấy lớn tuổi như vậy rồi mà em nói năng như bằng vai phải lứa như vậy là không phải.”

Tới đây thì cô vợ vốn luôn nghĩ rằng chồng mình rất thương mình, hiểu mình… bỗng dưng nhận được một cú “sang chấn”. À hoá ra anh ta không hề tin rằng mình tốt đẹp, anh ta cho rằng mình là một kẻ xấu xí mồm miệng độc địa – anh ta nghĩ đó mới là bản chất của mình và giờ nó được lộ ra. À đúng rồi mình vốn xấu xí như thế đấy mình mãi chẳng thể thay đổi được đâu, mình căm ghét chính mình, sao sống khổ thế này, mình biết phải làm sao đây? Người mà mình tưởng là hiểu và tin tưởng mình nhất cũng quay lưng với mình rồi. Mình chắc không thể sống được với ai…

Đây là lúc mà cảm xúc giữa họ đứt gãy. Bởi anh chồng đã chọn làm một người phán xử, chọn “đúng” thay vì chọn niềm vui, hạnh phúc.

Nói đến đây, không có nghĩa là cứ chọn niềm vui là đổi trắng thay đen. Vì vốn dĩ chẳng có đúng-sai trên đời này. Đúng vào lúc này chưa chắc đúng vào lúc khác, đúng với người này chưa chắc đúng với người khác. Thay vào đó thì phải chăng người với người nên chọn cách bao dung? Với một người vợ trầm cảm sau sinh, phải chăng người chồng nên chọn cách bao dung, hỏi xem anh có thể giúp gì được cho cô, hỏi xem vì điều gì mà cô trở nên như thế, hoặc động viên cô đi tham vấn tâm lý?

Nhưng mà cuộc đời chúng ta vốn ít khi vận hành như thế. Khi bạn thấy người bên cạnh “phát điên”, bạn “phát điên” ngược trở lại. Hiếm ai thấy người bên cạnh phát điên mà bình tĩnh yêu thương trấn an và động viên người đó tìm đến giải pháp có ích nếu họ không thể giúp được.

Mà sự thật là một khi bạn phát điên ngược trở lại, hoặc bạn đòi làm người “phán xử” thì khả năng cao là bên trong bạn đã có sẵn sự “nhạy cảm”/ “tổn thương” và chúng bị trigger bởi người đối diện. Đáng ra bạn nên tự quay vào bên trong xem xem tại sao mình giận.

Còn người mà đang phát điên đối diện bạn ấy, đáng ra họ có thể nói, như thầy Thích Nhất Hạnh bảo:

Khi giận, khi không còn thông suốt, hãy chìa tay ra, nhờ người kia, nói những từ kì diệu: “Xin hãy giúp tôi, tôi đang khổ sở”.

Nhưng đấy, bởi vì cuộc đời vốn ít khi vận hành như thế, nên chỉ từ những đứt gãy cảm xúc nho nhỏ, cái hố sâu ngăn cách giữa người với người ngày một rộng. Đến một lúc nào đó thì cả mối quan hệ đổ vỡ. Mà truy về điểm bắt đầu, có khi người ta phải “bật cười” đau xót, vì: Ồ, hoá ra chỉ vì một bà giúp việc chẳng bao giờ gặp lại trong đời? Mà ta đánh mất những người quan trọng trong đời.

Không chỉ trong mối quan hệ vợ chồng, mối quan hệ nào cũng thế, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác… câu hỏi: “Bạn chọn đúng hay chọn niềm vui/ hạnh phúc?” cũng là một câu hỏi quan trọng.

Ngày xưa, hồi mình đi làm, mình vốn làm việc kiểu chuyên nghiệp tập đoàn lớn lắm. Về một công ty khởi nghiệp, mình làm trợ lý giám đốc, chị trưởng phòng MKT nọ làm việc mình thấy không đúng, sao mà amateur thế, thế mà lại làm trưởng phòng được nữa? Mình bèn REPLY ALL email (đủ cả cấp trên cấp dưới & các trường phó phòng khác) và bảo rằng chị làm như vậy không được, phải làm thế này thế này thế này. Ghê gớm không? Đầu thì chỉ nghĩ rằng làm vầy mới tốt cho công ty, công việc. Nhưng mà, EQ thấp ghê nơi.

Sau vụ email đó, sếp mình vội vàng gọi mình vào phòng đóng cửa hỏi một câu mà làm mình khóc quá trời vì ức: “Em chọn đúng hay chọn vui?”.

Ức xong xuôi thì cũng hiểu ra, ngoài thông minh và làm việc giỏi, thì mình cũng vô duyên bỏ mẹ ra, vô cảm bỏ mẹ ra. Đúng như lời “tiên đoán” của sếp, không bao lâu sau đó thì mình được nghe bạn kể lại là người ta nói xấu sau lưng mình ghê lắm. Bị ghét ghê luôn. Đến tận khi chị trưởng phòng đó nghỉ việc, mình add friend facebook còn không được kết bạn thì phải, hoặc comment mà không trả lời gì đó. Người ta gọi là khẩu nghiệp đó, bị quật nhãn tiền. Haiz.

Có đôi khi, chúng ta thực sự cần dừng lại, chậm lại một nhịp. Xem xem, cái ta muốn là chứng tỏ mình đúng, hay cái ta muốn là niềm vui, là hạnh phúc? Mình đoán là khi đó ta bỗng thấy những gì ngứa mắt kia trở nên dịu đi, ham muốn tranh luận đúng sai cũng dịu đi, ta tìm ra một cách đi khác, dịu dàng với người, lợi lạc với mình, với cả đôi bên.

Sống trên đời, khó ha mấy bạn?
Mình nói lý thuyết chiêm nghiệm vầy thôi, chứ còn phải học qài, nhọc lắm.