Áp lực đồng trang lứa 4-5 năm trở lại đây đã tốn không biết bao giấy mực của những người quan tâm. Nhưng có vẻ như không phải cứ có nhiều bài viết, nghiên cứu, nhận được đủ sự quan tâm… thì vấn đề đó sẽ biến mất. Thú thực mình không định viết gì về peer pressure (cho đến khi gặp nhiều khách hàng loay hoay với peer pressure) vì cứ tưởng ai cũng “master” khi đối diện peer pressure rồi cơ. Mình cứ tưởng dù peer pressure không hoàn toàn mất đi, nhưng các bạn đủ khả năng để well manage bản thân mà chuyển đó thành động lực tích cực, biến đó thành con đường, bài học để mình đi theo… Nhưng không, có vẻ không ít người vẫn hết sức chật vật. Lý thuyết vẫn luôn chỉ là lý thuyết, có những người vẫn không chiến thắng được peer pressure mà thậm chí bị nó nhấn chìm. 

Mình đọc được đâu đó một bài viết mô tả peer pressure giống như những con sóng, còn ta là con thuyền. Những con sóng là một động lực quan trọng giúp con thuyền đi xa, nhưng nó cũng có thể tràn vào con thuyền làm đắm thuyền.

Cá nhân mình thấy rằng, peer pressure có lợi ích thực sự. Bạn có thể thấy người ta đã có được cái bạn cũng THỰC SỰ (xin lưu ý mình nhấn mạnh chữ “thực sự”) muốn có, nhờ đó mà được tiếp thêm động lực cố gắng. Bạn cũng chuyển hoá được năng lượng từ ghen tị và xa lánh, lẩn trốn sang dũng cảm tiếp cận, học hỏi. Học hỏi con đường mà người ta đã đi, cách người ta đã làm.

Nhưng động lực từ bên trong vẫn phải là yếu tố quan trọng nhất. Khi đã học hỏi, bắt đầu, hành động, bạn còn cần sự kiên trì với từng bước chân bằng cách bám vào cái Why (lý do tại sao bạn bắt đầu) – đây chính là động lực từ bên trong. 

Động lực bên ngoài có thể giúp bạn đi những bước đầu tiên, nhưng động lực từ bên trong mới là thứ giúp bạn đi được lâu dài. 

Peer pressure nguy hiểm và có thể nhấn chìm thuyền cũng vì lý do này. Nó có thể nhấn chìm động lực từ bên trong của bạn.

Peer pressure có thể khiến bạn trở nên “quá” tiêu cực, thậm chí rối loạn lo âu, trầm cảm, stress mãn tính…

Nhắc đến stress mãn tính. Thường mọi người chỉ biết đến stress, nhưng ít khi biết đến stress mãn tính – một tình trạng sức khoẻ tâm thần cần được chăm sóc. Và khi tâm thần cần được chăm sóc ấy, cũng giống như mọi thể loại bệnh khác, khi bạn bệnh thì bạn phải nghỉ làm để ở nhà tĩnh dưỡng. Bệnh tâm thần thì tiếc thay, có bệnh cũng phải đi làm, lại còn căng hơn dây đàn. Rối loạn lo âu, trầm cảm thì còn phổ biến chứ stress mãn tính thì thôi chịu rồi đó. Người bị mà cũng không biết là bị. Nói chi đến chuyện nghỉ. Tóm lại khúc này chỉ muốn nói với các bạn để ý chút đến term “stress mãn tính”, và dành sự quan tâm thích hợp đến sức khoẻ tâm thần của mình.

Quay trở sự “nguy hiểm” của peer pressure. Những hệ quả tâm lý mà nó có thể mang lại là sự tự ti do luôn so sánh với người khác, cảm thấy mình không đủ xuất sắc không đáp ứng được những tiêu chuẩn của xã hội, mong đợi của bản thân… Lâu dần là chán nản, mất niềm tin vào khả năng của mình, không còn động lực để cố gắng, phấn đấu; hoặc chỉ cố gắng phấn đấu vì những sự công nhận bên ngoài, còn động lực tự thân thì tan biến.

Khi bạn đã trở nên “quá” tiêu cực, xin bạn, hãy ngừng suy nghĩ, phân tích hay lao đầu cố gắng tiếp. Thay vào đó hãy làm những điều sau, vì chính bạn: 

1. Tặng cho bản thân một intention mới: “Đây là lúc mình cần NGHIÊM TÚC quay về bên trong”. Đây là lúc mình cần quay về với chính mình, chăm sóc chính mình, thay vì tiếp tục hướng ra bên ngoài. Đây là lúc mình lùi lại một bước để tiến mười bước.

2. Tạm tách mình khỏi mạng xã hội. Đây là chỗ mà thành công của loài người được phơi lên hết hòng nhăm nhe “đe doạ” bạn. 

3. Ngừng chỉ trích, trách móc bản thân… hay so sánh với người khác, than vãn bất công cuộc đời. Lên danh sách những điều có thể làm khi những suy nghĩ tiêu cực bắt đầu xâm chiếm. Ví dụ như chạy bộ, tập thể thao, nghe nhạc… 

5. Thực hành chánh niệm. Việc thực hành chánh niệm sẽ giúp bạn “ý thức”, “nhận biết” được bản thân mình như chính nó là. Có “điểm mạnh” – “điểm yếu”, có cái đáng khen – có cái cần cải thiện, có tốt – có xấu… Nó cũng giúp bạn ở lại với hiện tại, ở lại với CƠ THỂ, thay vì bị tâm trí cuốn đi. Trong những hoàn cảnh mà bạn đã “quá” tiêu cực, thì tách mình ra khỏi suy nghĩ là điều tối quan trọng. Thiền là một thực hành mà mình hay recommend cho khách hàng (thậm chí “yêu cầu” khi thấy cần). Chạy bộ, tập thể thao cũng giúp ích. 

6. Một số thực hành gợi ý để giảm bớt tiêu cực, gia tăng niềm tin và những điều tích cực: Daily affirmation, Nhật ký Biết ơn, Nhật ký Ghi nhận, Câu chuyện cuộc đời, Morning pages, Mirror work… Đây đều là những công cụ mình đã thực hành và nhận được giá trị, bạn có thể tìm hiểu thêm và chọn những thứ phù hợp với mình. 

7. Nếu có thời gian, hãy học cách hiểu về thông điệp thực sự của cảm xúc và chuyển hoá nó. 

8. Thiết lập một thói quen lành mạnh. Điều này rất quan trọng khi bạn đã rơi vào trạng thái “quá” rối rắm, bấp bênh cảm xúc, không thể tìm thấy lối thoát… Việc duy trì thói quen lành mạnh này không chỉ là một hành động chăm sóc chính mình mà còn có thể tạo nên cảm giác thành tựu nho nhỏ mỗi ngày.

Sống một cuộc sống vô ưu vô lo, chẳng bao giờ có áp lực, peer pressure từ ai… có lẽ là điều không tưởng. Dù độ tuổi nào, vai trò nào, hay văn hóa nào… bạn cũng sẽ có lúc phải chịu peer pressure. Vậy nên chúc bạn sớm tìm được cách vượt qua, không để nó lấn át mình trong nhiều giai đoạn cuộc đời.

Mà đôi khi đó cũng không phải là thứ cần “vượt qua”, chỉ đơn giản là quan sát và xem nó tiến triển như thế nào, ở lại, rồi biến mất trong (cơ thể) mình. 

Chúc các bạn ngày mới an yên, 


Lấp la lấp lánh – Một blog về xây dựng nội lực

Nếu bạn có một mong muốn, một ước mơ… nhưng không hiểu sao vẫn mãi chưa thể đạt được. Hoặc nếu bạn đã quá mỏi mệt với công việc, cuộc sống và muốn quay trở lại chăm sóc nội tâm. Hoặc nếu bạn cảm thấy lạc lối… Mình có một lời mời đến bạn tại: https://www.laplalaplanh.com/dich-vu/