Hôm qua mình có đọc được một khúc này trong cuốn “Con đường chẳng mấy ai đi” của Tiến sĩ – Bác sĩ Tâm lý M. Scott Peck:

“Cảm nhận về giá trị bản thân – “Mình là người có giá trị” – có vai trò thiết yếu đối với sức khoẻ tâm lý và là nền tảng cho kỷ luật tự giác. Nó là thành quả trực tiếp từ tình yêu thương của cha mẹ. Niềm tin đó cần được xây dựng từ thời thơ ấu, vì để đến tuổi trưởng thành sẽ vô cùng cam go để đạt được. Hơn nữa, khi giá trị của bản thân đã được xác tín từ thuở ấu thơ qua tình yêu của cha mẹ, những thăng trầm của tuổi trưởng thành hầu như không thể phá huỷ được niềm tin vững vàng đó nữa.”

1.
Khúc này có một điểm rất quan trọng, là “cảm nhận về giá trị bản thân” có vai trò THIẾT YẾU đối với sức khoẻ tâm lý. Thiết yếu đến nỗi, trong hành trình ngắn ngủi gần 2 năm khai vấn của mình, mình đã gặp không ít khách hàng từ những người thành công viên mãn cho đến những người trẻ 20 tuổi chưa có gì trong tay, đến một lúc nào đó trong progress, họ đều phải quay về làm việc với cái “giá trị bản thân” đó trong mắt chính họ.

Và trái ngược lại với điều người ta hay tưởng là: “Cứ trưởng thành đi, làm đi, làm nhiều vào, đạt được cái này cái kia,… thì sẽ có tự tin. Tự tin sẽ được vun bồi theo thời gian”. Cũng đúng, nhưng bác Scott cũng đã nói rồi đó, nó cần nhiều “cam go” để đạt được. Và mình phải công nhận. Nhiều lúc thấy thương ơi là thương khi chứng kiến những vụn vỡ bên trong một vẻ ngoài được người người ngưỡng mộ.

Và từ trải nghiệm của bản thân, mình nhận thấy rằng “cảm nhận về giá trị bản thân” này có thể biểu hiện từ vô cùng thô thiển đến vô cùng vi tế. And yes, hãy cứ take it easy thôi, không có gì phải lo lắng khi nhận ra nó, nhưng nên nhìn thấy nó.

2.
Thông thường, đến khi phù hợp, mình sẽ gợi ý cho khách hàng của mình một bài tập nhỏ gọi là “Nhật ký ghi nhận”. Mỗi ngày, hoặc nếu mới bắt đầu, mà viết không phải là một thói quen của bạn, thì có thể tuần 2-3 lần, mỗi tuần, hoặc mỗi tháng… bạn có thể cầm bút và viết về những điều mình ghi nhận ở bản thân.

Ban đầu có thể bạn sẽ cảm thấy hơi gượng ép, thì thôi, đừng viết, hãy chỉ viết những gì bạn thực sự “chạm”. Nhưng báo cho cái não bộ của bạn biết một nhiệm vụ mới mà nó phải làm là “ghi nhận bản thân”. Sẽ đến một lúc bạn thấy việc ghi nhận bản thân dễ dàng hơn một chút.

Sẽ có những nghi ngờ xuất hiện. Kiểu như 8 phần thì bạn ok tôi thấy rất tự tin/ tự hào vào mình, nhưng còn 2 phần thì… Cái 2 phần đó, là biểu hiện vi tế. Cứ ghi nhận tất cả và tiếp tục kiên trì. Những gì vi tế mất thời gian hơn để “xử lý”.


  1. Một phần quan trọng nữa trong đoạn trích phía trên: “Cảm nhận về giá trị bản thân” là nền tảng cho kỷ luật tự giác.

Mình không muốn giống như social norm hay mọi tiếng nói lý thuyết ngoài kia nói rằng “kỷ luật là tốt” trong khi bên trong các bạn không thiết tha gì với nó. Nhưng cũng rất “Wow” khi tự nhìn lại chính mình thì có thể thấy không ít những lần mình bỏ bê bản thân chìm trong… cày phim, lướt mạng xã hội vô thức… chính là những khi mình thấy “giá trị bản thân” down level. Càng cày phim, càng lướt mxh, mình càng thấy mình tệ.

Hoặc ngược lại, những giai đoạn mà mình rất kỷ luật tự giác, thì giá trị bản thân cũng được cảm nhận up level. Những sự đạt được nho nhỏ như dậy sớm, tập thể dục… cũng tạo nên những sự thoả mãn và niềm tin nhất định.

Bác Scott giải thích rằng, khi bạn thấy mình giá trị, thì thời gian của bạn cũng giá trị, và trên nền tảng đó kỷ luật tự giác được phát triển.

Điều này cũng tricky ở chỗ, giá trị của bản thân phải là thứ được nảy lên trước, rồi kỷ luật tự giác sẽ tự phát theo sau. Kỷ luật tự giác rồi thì giá trị bản thân lại được up lên tiếp, qua lại qua lại. Nhưng đa phần ta không hiểu cái gốc mà thường “ép” mình phải kỷ luật.

Ngày xưa mình đi khai vấn, cứ nhớ mãi câu hỏi của chị Vân Anh, đại khái là: Ai nói em phải kỷ luật? Không kỷ luật thì sao?

Nếu bạn chẳng thiết tha gì, again, thì bạn đừng có ép mình. Có tiếng nói nào đó bên trong nó ức gì đâu á, nó cản bạn làm bạn bứt dứt, đi được một lúc rồi lại bỏ cho coi. Đường nó sẽ phải hơi vòng.

À tất nhiên nghĩ lại thì thấy chắc cũng có trường hợp phải “ép” :)) Ép & check & adjust & release. Đại khái vậy, không nói nữa, làm đi :))

4.
“Cảm nhận về giá trị bản thân” là thành quả trực tiếp từ tình yêu thương của cha mẹ. Nếu cha mẹ trao cho con cái thời gian, sự quan tâm, sự đắn đo lo nghĩ cho những vấn đề của chúng, cùng chúng đối diện với khó khăn… một cách bền bỉ xuyên suốt, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Chúng sẽ “cảm nhận sâu sắc rằng cuộc sống này thật an toàn và tin rằng mình luôn được che chở khi cần”. Đứa trẻ được yêu thương sẽ biết rằng chúng quan trọng, chúng có giá trị.

“Với sự vững tâm ấy, đứa trẻ sẽ dễ dàng trì hoãn ham muốn, vì nó chắc rằng những cảm giác dễ chịu ấy trước sau cũng sẽ được thoả mãn mà thôi, cũng như mái ấm và cha mẹ, luôn hiện diện và sẵn sàng khi nó cần.”

Còn những đứa trẻ bất an với cuộc sống, tương lai… sẽ không thể khước từ những “cám dỗ” dễ chịu ngay trước mắt, vì với chúng tương lai là hiểm nguy và bất định.

Khúc này dừng lại mà nghĩ về mấy cái quãng mình cày phim ngày quay ngày mà thấy chạm thế :))

Món quà quý giá nhất mà cha mẹ có thể trao tặng cho con chính là những tấm gương kỷ luật tự giác để con noi theo, là “ý thức về giá trị của bản thân và lòng tin nhất định vào sự an toàn của cuộc sống”.